Chuẩn bị kịch bản, sẵn sàng ứng phó

VHO- “Nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cần đặt thời gian còn lại của năm học trong trạng thái sẵn sàng ứng phó để kịp thời có kịch bản phù hợp”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ GD&ĐT vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Chuẩn bị kịch bản, sẵn sàng ứng phó - Anh 1

 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ GD&ĐT Ảnh: THÀNH CHUNG

 Trong khi đó, ngày hôm nay 22.2, nhiều tỉnh, thành đã quyết định cho học sinh, sinh viên trở lại trường sau đợt nghỉ Tết kéo dài.

Học sinh một số nơi đã rục rịch đến trường

Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ GD&ĐT, sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đã có 14 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trở lại từ ngày 17.2; 49 tỉnh, thành phố tiếp tục cho học sinh nghỉ học trên lớp; đặc biệt, có 15 tỉnh, thành phố cho học sinh nghỉ đến khi có thông báo mới. Thời gian này, các Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục kích hoạt lại hệ thống phòng, chống dịch, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để truy vết F1, F2,... và hướng dẫn học sinh, sinh viên, giáo viên khai báo y tế theo đúng quy định. Hầu hết các địa phương cho học sinh nghỉ học trên lớp đã triển khai hình thức dạy học trực tuyến.

Ở mốc thời gian trở lại trường ngày hôm nay 22.2, có các tỉnh Hà Giang, An Giang, Lào Cai sẵn sàng đón học sinh đến lớp với các biện pháp kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, khử khuẩn trường… Chủ tịch UBND các tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Long, Ninh Thuận, Cao Bằng, Kon Tum cũng đồng ý cho học sinh các cấp trên địa bàn đi học trở lại từ ngày 22.2. Tại Thái Bình, học lớp 9 THCS, lớp 12 THPT và học sinh các đội dự tuyển học sinh giỏi quốc gia khối 11 của trường THPT chuyên Thái Bình đi học trở lại từ ngày 22.2. Sở GD&ĐT Lào Cai cũng ra thông báo học sinh phổ thông đến trường từ ngày 22.2; riêng trẻ mầm non sẽ nghỉ ở nhà đến hết 28.2. Sở này yêu cầu các cơ sở giáo dục tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch như khai báo y tế, vệ sinh, khử khuẩn, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt. Tại Yên Bái, từ ngày 22.2, trẻ mầm non và học sinh tiểu học đi học trở lại. Trước đó, học sinh THCS, THPT đã đến trường sau nghỉ Tết từ 18.2… Căn cứ theo thông báo trước đó, học sinh tại một số tỉnh như Bạc Liêu, Bình Dương, Bình Thuận, Cà Mau, Điện Biên, Hậu Giang, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Thanh Hóa, Trà Vinh… cũng có lịch đi học trở lại từ ngày 22.2.

Bộ GD&ĐT cho biết, ở bậc đại học, tất cả các cơ sở đào tạo (trừ các cơ sở đào tạo khối an ninh quốc phòng), sinh viên hiện vẫn đang trong kỳ nghỉ Tết. Một số sinh viên do tình hình dịch bệnh không thể về quê đã được các nhà trường tổ chức đón Tết tại ký túc xá. Nhiều cơ sở giáo dục đại học đến thời điểm này đã thông báo tổ chức cho sinh viên học trực tuyến.

Kế hoạch năm học 2020-2021 có những thay đổi gì?

Về kế hoạch thích ứng với tình hình dịch bệnh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cần đặt thời gian còn lại của năm học trong trạng thái sẵn sàng ứng phó với dịch, từ đó kịp thời có kịch bản phòng, chống, dạy học, thi, kiểm tra đánh giá phù hợp. Theo ông Nhạ, mặc dù tình hình hiện nay vẫn đang trong tầm kiểm soát, song diễn biến tiếp theo chưa thể nói trước, vì vậy, các đơn vị chuyên môn tùy theo chức năng, nhiệm vụ đưa ra các kịch bản tình huống khác nhau, trong đó lưu tâm tới kịch bản điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học; kịch bản thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng… “Cần chủ động xây dựng phương án, để dù tình huống nào xảy ra cũng thực hiện được ngay”, ông Nhạ nói.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, nhằm tạo hành lang pháp lý và hỗ trợ các điều kiện để triển khai dạy học trực tuyến, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các đơn vị tích cực hoàn thiện và sớm ban hành Thông tư Quy định quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Đồng thời, làm việc với các đối tác doanh nghiệp, nhà mạng đã ký kết hợp tác với Bộ GD&ĐT để hỗ trợ hạ tầng, đường truyền, băng thông… phục vụ cho hoạt động dạy và học. Có giải pháp kết nối nguồn lực hỗ trợ giáo viên, học sinh các địa bàn khó khăn, không có khả năng tiếp cận với hình thức học trực tuyến, học qua truyền hình…

Trước đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ có công văn cho phép các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học để ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó, các trường chủ động thực hiện việc dạy học trực tuyến qua Internet, truyền hình. Việc dạy học trực tuyến, Bộ yêu cầu các nội dung dạy học đảm bảo tính khoa học, sư phạm, phù hợp với đối tượng học sinh từng cấp học và linh hoạt tùy theo điều kiện từng địa phương. Bộ cũng yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo từng trường nắm bắt tình hình học sinh sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán, nhất là học sinh vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để xây dựng phương án dạy học từ xa phù hợp và có kế hoạch bồi dưỡng, phụ đạo khi học sinh quay lại trường.

Giải đáp những băn khoăn nếu học sinh nghỉ học quá dài sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch năm học, ông Thành cho biết, trong kế hoạch năm học 2020-2021, các cơ sở giáo dục đều có 2 tuần dự phòng. Vì thế, việc học sinh tạm nghỉ 2 tuần sau Tết do dịch Covid-19 không làm ảnh hưởng đến kế hoạch, nhiệm vụ chung của năm học. 

QUỐC HÙNG

Ý kiến bạn đọc